• Top 9 Công Ty Sản Xuất Nồi Hơi Điện Giá Rẻ
  • Tin tức

    Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới nay thời tiết không mấy thuận lợi, khiến cho việc xây dựng đình trệ, hầu như không có công trình mới khởi công; cùng với nhiều yếu tố khác tác động như thép nhập khẩu gia tăng, làm cho lượng thép tiêu thụ giảm khoảng 70 - 80% so với tháng 3 và tháng 4/2016.  

    Nhận định về nguyên nhân lượng thép tiêu thụ giảm mạnh trong hai tháng gần đây, ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - cho rằng: Do thời tiết không mấy thuận lợi, đặc biệt, nắm bắt được cơ hội chuẩn bị áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu, cuối tháng 3/2016 các doanh nghiệp, đại lý… đã ôm rất nhiều hàng, cộng với hàng tồn kho trước. Hai yếu tố này cộng lại khiến các đại lý gần như phải dừng nhập hàng trong các tháng tiếp theo để tập trung đẩy mạnh tiêu thụ hết hàng cũ. Đó là nguyên nhân dẫn tới tháng 6 và tháng 7 lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất thép sụt giảm mạnh.  

    Không những vậy, hiệu quả của các doanh nghiệp còn bị sụt giảm mạnh bởi, từ tháng 6 tới nay giá thép giảm khoảng trên 1 triệu đồng/tấn so với tháng 4 và 5. Hiện nay giá giao dịch trung bình còn khoảng 11,2 triệu đồng/tấn thép. Bên cạnh đó, hiện nguồn cung thép vượt cầu gấp trên 2 lần, đặc biệt sự ảnh hưởng của thép nhập khẩu.

    Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyên Văn Sưa, 6 tháng đầu năm 2016 Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm tới 8,8 triệu tấn; phôi 966.000 tấn; tôn mạ gần 1 triệu tấn; nổi trội nhất là thép hợp kim và tôn mạ màu, như: thép hợp kim nhập khẩu là 4,2 triệu tấn; tôn mạ gần 1 triệu tấn, trong khi cả năm 2015 mới nhập khẩu có 1,4 triệu tấn tôn. Nếu cứ đà này, năm 2016 tôn mạ nhập khẩu sẽ tăng tới khoảng 2 triệu tấn.

    Ông Sưa cũng nhận định, việc sản lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp giảm mạnh trừ các nguyên nhân đề cập trên thì một phần cũng do ảnh hưởng của việc thép hợp kim nhập khẩu tăng cao, đây chính là sản phẩm dễ khai báo “nhập nhèm” để trốn thuế và bán với giá cạnh tranh, dẫn tới hàng Việt ngày càng gặp khó.

    Để bảo vệ hàng trong nước cạnh tranh sòng phẳng, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, ngoài việc áp thuế tự vệ thì việc kiểm tra, kiểm soát giữa các cơ quan quản lý đối với sản phẩm thép hợp kim nhập khẩu cần có hình thức chặt chẽ và khắt khe hơn, khi đó mới hy vọng giảm được nguồn thép nhập khẩu gian lận. Không những vậy, các doanh nghiệp còn có chiêu trò là nhập khẩu qua nước không bị đánh thuế như Malaysia, Thái Lan... (hay còn gọi là nhập khẩu qua nước thứ 3) để có được sản phẩm nhập khẩu giá cạnh tranh với thép sản xuất trong nước.

    Do cung lớn hơn cầu nên đã tạo ra mặt bằng cạnh tranh tương đối khốc liệt. Theo ông Phúc, doanh nghiệp muốn làm ăn hiệu quả phụ thuộc tương đối lớn vào công tác dự báo thị trường. Đối với thép Miền Nam, dù thị trường khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng vận dụng tối đa kinh nghiệm, giải pháp; giảm tối đa các chi phí không cần thiết, bám sát thị trường để hoạt động có lợi nhuận. Theo đó, 7 tháng công ty sản xuất thép cán đạt 280.000 tấn, vượt 7% so với cùng kỳ và vượt 17% so với công suất thiết kế.

    Về tiêu thụ, 7 tháng thép Miền Nam đạt 270.000 tấn, vượt 4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu được 45.000 tấn, bằng 62% so với cùng kỳ. Lý giải về nguyên nhân xuất khẩu giảm, ông Phúc cho biết, do giá thép xuất khẩu ngày càng cạnh tranh khốc liệt với thép xuất khẩu từ Trung Quốc tại thị trường Cambodia.

    Tuy nhiên, phải kể đến một lợi thế lớn nhất trong thời điểm này mà thép Miền Nam đạt được là công ty đã tự chủ động sản xuất được phôi phục vụ cho cán thép, với công suất từ 52.000 - 53.000 tấn phôi. Với sản lượng đó, công ty còn dư để cung cấp ra thị trường được khoảng 8.000 tấn phôi/tháng. Tính trong 7 tháng công ty này đã sản xuất đạt 321.000 tấn, vượt 18% so với công suất thiết kế. Đây chính là lợi thế nổi trội so với các công ty trong ngành thép, nên dù xuất khẩu gặp khó hơn nhưng thép Miền Nam vẫn đạt được kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh.
    theo nguồn báo công thương ngày  05/08/2016