• Top 9 Công Ty Sản Xuất Nồi Hơi Điện Giá Rẻ
  • Tin tức

    Trong nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành Dệt may đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015 và mới hoàn thành 41% so với kế hoạch cả năm.

    Ngành Dệt may đang bị suy giảm đơn hàng và giá xuất khẩu

    Cầu giảm, chi phí tăng

    Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, 6 tháng đầu năm, các DN ngành Dệt may, từ DN sản xuất sợi, nguyên phụ liệu cho đến may mặc đều có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước chững lại, giá cả hàng hóa thế giới giảm. DN dệt may lại đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia XK dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn độ, Trung Quốc, Pakistan. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào đều tăng cao càng khiến DN gặp khó. Đồng thời, nhiều cơ chế chính sách không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành Dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho DN.

    Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết thêm, hiện nhiều DN dệt may trong nước đang gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng mới, nhất là từ tháng 8 trở đi. Một số DN nhỏ và vừa đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài.

    “DN dệt may Việt Nam vẫn phải chịu hàng rào thuế ở một số nước với mức cao, đơn hàng không tăng nhưng giá giảm, trong khi các chi phí khác ngày một đội lên cao khiến khó khăn lại chồng chất khó khăn” - ông Cẩm nhấn mạnh.

    Tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động

    6 tháng qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành phức tạp, rườm rà đang gây khó cho DN. Theo ông Vũ Đức Giang, Chính phủ cần sửa đổi quy định về giờ làm thêm của người lao động. Trong khi Nhật Bản quy định giờ làm thêm từ 600 -720 giờ/năm thì hiện Việt Nam lại giới hạn làm thêm không quá 200 - 300 giờ/năm. Đây là điều bất hợp lý gây khó khăn cho các DN, nhất là DN dệt may thường có tính thời vụ, lại phải chịu sức ép về tiến độ giao hàng; đồng thời cũng đi ngược lại với mong muốn của người lao động được làm thêm để tăng thu nhập.

    Cùng với đó, Hiệp hội Dệt may cũng kiến nghị không tiếp tục tăng lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu tăng thì BHXH, phí công đoàn cũng tăng theo, gây áp lực lớn cho DN, do những chi phí này chiếm tới 72% trong đơn giá gia công ngành Dệt may.

    Đồng thời, hiệp hội đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000ha, tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Hạn chế cấp giấy phép cho DN FDI đầu tư vào ngành may, chỉ nên thu hút đầu tư FDI vào khâu sợi, dệt nhuộm hoàn tất với điều kiện phải bảo đảm các quy định về môi trường.

    Từ thực tế của DN, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho rằng, DN phải chủ động ứng phó với những khó khăn bằng cách tiết giảm tối đa chi phí, đặc biệt là tìm mọi cách để tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần tiếp tục phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. “Hiện người nước ngoài đến Việt Nam mua hàng may mặc rất nhiều, vì họ biết hàng may mặc Việt Nam chất lượng không thua kém hàng hiệu thế giới. Trong khi đó, người Việt lại có tư tưởng sính ngoại, hàng năm chi hàng chục triệu đồng để mua hàng hiệu nước ngoài” - bà Huyền nói.

    Với mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch XK dệt may năm 2016 chỉ đạt khoảng 29 tỷ USD, thay vì 30 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra.
    Nguồn Báo Công Thương ngày 26 tháng 7 năm 2016